Nhân khẩu Madagascar

Dân tộc

Phân bổ khu vực của các phân nhóm dân tộc Malagasy.

Năm 2012, dân số của Madagascar được ước tính là 22 triệu.[3] Dân tộc Malagasy tạo thành trên 90% dân số Madagascar và thường được phân thành 18 phân nhóm dân tộc.[18] Nghiên cứu ADN gần đây tiết lộ rằng thành phần di truyền của trung bình một người Malagasy tạo thành từ pha trộn gen Nam Đảo và Bantu với tỷ lệ xấp xỉ bằng nhau,[116][117] song di truyền học của một số cộng đồng cho thấy thế trội của nguồn gốc Nam Đảo hay Bantu hoặc một chút tổ tiên Ả Rập, Ấn Độ hoặc châu Âu.[118] Nguồn gốc Nam Đảo chiếm thế trội nhất trong cộng đồng người Merina trên các cao địa trung tâm,[84] đây là phân nhóm lớn nhất của dân tộc Malagasy và chiếm xấp xỉ 26% dân số, trong khi các cộng đồng nhất định trong số dân cư sống tại duyên hải có nguồn gốc Bantu tương đối cao hơn. Các phân nhóm dân tộc duyên hải lớn nhất là Betsimisaraka (14,9%), và TsimihetySakalava (6% mỗi nhóm).[17]

Phân nhóm dân tộc MalagasyKhu vực tập trung
Antankarana, Sakalava, Tsimihetytỉnh Antsiranana
Sakalava, Vezotỉnh Mahajanga
Betsimisaraka, Sihanaka, Bezanozanotỉnh Toamasina
Merinatỉnh Antananarivo
Betsileo, Antaifasy, Antambahoaka, Antaimoro, Antaisaka, Tanalatỉnh Fianarantsoa
Mahafaly, Antandroy, Antanosy, Bara, Vezotỉnh Toliara

Các cộng đồng người Hoa, người Ấn, người Comoros hiện diện tại Madagascar, cũng như một cộng đồng dân cư gốc Âu nhỏ (chủ yếu là gốc Pháp). Tình trạng di cư vào cuối thế kỷ XX khiến dân số các cộng đồng thiểu số này giảm xuống, thỉnh thoảng là trong các làn sóng đột ngột, chẳng hạn như cuộc di cư của người Comoros trong năm 1976, sau các náo động chống người Comoros tại Mahajanga.[17] Trong khi đó, không có sự di cư đáng kể của người Malagasy.[52] Số lượng người Âu suy giảm sau khi đảo quốc độc lập, từ 68.430 vào năm 1958[44] xuống 17.000 ba thập niên sau đó. Theo ước tính có 25.000 người Comoros, 18.000 người Ấn, và 9.000 người Hoa sống tại Madagascar vào giữa thập niên 1980.[17]

Tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm tại Madagascar là xấp xỉ 2,7% vào năm 2009.[18] Dân số tăng từ 2,2 triệu vào năm 1900[17] đến khoảng 22 triệu vào năm 2012.[3] Xấp xỉ 42,5% dân số có tuổi dưới 15, trong khi 54,5% ở trong độ tuổi từ 15 đến 64. Những người 65 và nhiều tuổi hơn chiếm 3% tổng dân số.[98] Sau khi độc lập, Madagascar tiến hành tổng điều tra dân số vào năm 1975 và 1993. Các vùng có mật độ dân số cao nhất trên đảo là các cao địa phía đông và duyên hải phía đông, tương phản với các đồng bằng phía tây có dân cư thưa thớt.[17]

Ngôn ngữ

Các trẻ em gái tại Madagascar

Tiếng Malagasy có nguồn gốc Mã Lai-Đa Đảo và thường được nói trên khắp đảo quốc. Các phương ngôn của tiếng Malagasy thường thông hiểu lẫn nhau,[119] và có thể nhóm vào một trong hai phân nhóm là đông Malagasy và tây Malagasy. Phân nhóm đông Malagasy được nói dọc theo các khu rừng phía đông và cao địa, và bao gồm phương ngôn Merina ở Antananarivo. Phân nhóm tây Malagasy được nói trên khắp các đồng bằng duyên hải phía tây. Tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức từ khi đảo là thuộc địa của Pháp. Trong hiến pháp quốc gia đầu tiên vào năm 1958, tiếng Malagasy và tiếng Pháp được ghi là các ngôn ngữ chính thức của Cộng hòa Malagasy. Madagascar là một quốc gia Pháp ngữ, và tiếng Pháp được nói trong nhóm dân cư có học.[17]

Không có ngôn ngữ chính thức nào được ghi trong Hiến pháp 1992, song tiếng Malagasy được xác định là ngôn ngữ quốc gia. Tuy thế, nhiều nguồn vẫn khẳng định tiếng Malagasy và tiếng Pháp là các ngôn ngữ chính thức, cuối cùng dẫn đến việc một công dân bắt đầu vụ kiện pháp lý chống lại nhà nước vào tháng 4 năm 2000, với lý do việc công bố các tài liệu chính thức chỉ bằng tiếng Pháp là vi hiến. Tòa án Hiến pháp cấp cao phán quyết rằng trong trường hợp thiếu một luật ngôn ngữ thì tiếng Pháp vẫn có đặc điểm là một ngôn ngữ chính thức.[120] Trong Hiến pháp 2007, tiếng Malagasy vẫn là ngôn ngữ quốc gia trong khi ngôn ngữ chính thức được ghi là tiếng Malagasy, tiếng Pháp, và tiếng Anh.[121] Tiếng Anh bị loại bỏ địa vị là một ngôn ngữ chính thức sau cuộc trưng cầu dân ý hiến pháp vào năm 2010.[1]

Tôn giáo

Tôn giáo tại Madagascar (2010)[122]

  Tin lành (45.8%)
  Công giáo Roma (38.1%)
  Phi Cơ đốc giáo (1.1%)
  Hồi giáo (3%)
  Tín ngưỡng (4.5%)
  Vô thần (6.9%)
Lễ cải táng Famadihana

Khoảng một nửa dân số đảo quốc thực hành tôn giáo truyền thống,[18] vốn có xu hướng nhấn mạnh các liên kết giữa sự sống và razana (tổ tiên). Tôn kính tổ tiên dẫn đến truyền thống phổ biến về việc xây mộ, cũng như thực hành famadihana trên các cao địa, theo đó hài cốt của thành viên gia đình có thể được cải táng trong mộ. Các cư dân của các làng xung quanh thường được mời đến tham dự bữa tiệc nhân dịp cải táng, với các thực phẩm, rượu mạnh được phục vụ, một gánh hát hiragasy hoặc loại hình giải trí âm nhạc khác là điều phổ biến hiện nay.[123] Tôn kính thổ tiên cũng được thể hiện thông qua việc tuân thủ fady, là những điều kiêng kỵ trong và sau khi người thiết lập ra chúng qua đời. Hiến tế zebu là một phương pháp truyền thống được sử dụng để an ủi hay vinh danh tổ tiên. Thêm vào đó, truyền thống Malagasy tin vào một thần tạo vật, được gọi là Zanahary hay Andriamanitra.[124]

Gần một nửa người Malagasy là tín đồ Ki-tô giáo, với tín đồ Tin Lành đông hơn một chút so với tín đồ Công giáo Rôma.[18] Năm 1818, Hội Truyền giáo Luân Đôn cử các nhà truyền giáo Ki-tô đầu tiên đến đảo, tại đây họ xây dựng các nhà thờ, dịch Kinh Thánh sang tiếng Malagasy và người dân bắt đầu cải đạo. Bắt đầu từ năm 1835, Nữ vương Ranavalona I tiến hành ngược đại những người cải đạo trên đảo trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn ảnh hưởng về văn hóa và chính trị của người châu Âu. Năm 1869, Nữ vương Ranavalona II cho toàn bộ triều đình cải sang Ki-tô giáo và khuyến khích các hoạt động truyền giáo Ki-tô, cho đốt cháy sampy (thần tượng vương thất) trong một sự đoạt tuyệt mang tính tượng trưng với các tín ngưỡng truyền thống.[125]

Ngày nay, nhiều người Ki-tô giáo tích hợp các đức tin tôn giáo của họ với các truyền thống liên quan đến tưởng nhớ tổ tiên. Ví dụ, họ có thể ban phước cho người chết tại nhà thờ trước khi tiến hành các nghi lễ an táng truyền thống hoặc mời một mục sư Ki-tô giáo đến cúng lễ cải táng famadihana.[123] Hội đồng các giáo hội Malagasy gồm có 4 giáo phái Ki-tô lâu năm nhất và nổi bật nhất (Công giáo La Mã, Giáo hội Chúa Giê-su Ki-tô tại Madagascar, Giáo hội LutheranAnh giáo) và có sức ảnh hưởng trong chính trị đảo quốc.[126]

Hồi giáoẤn Độ giáo cũng được hành lễ trên đảo. Hồi giáo được đưa đến đảo lần đầu tiên vào thời kỳ Trung Cổ nhờ các thương nhân Hồi giáo người Ả Rập và Somali, họ lập nên một số trường Hồi giáo dọc theo duyên hải phía đông. Mặc dù việc sử dụng chữ Ả Rập và các từ mượn, chấp thuận thuật chiêm tinh Ả Rập lan rộng khắp đảo, song Hồi giáo chỉ có thể được thực hành tại các cộng đồng duyên hải đông nam bộ. Ngày nay, người Hồi giáo chiếm 7% dân số của Madagascar và tập trung nhiều tại các tỉnh tây bắc bộ là MahajangaAntsiranana. Người Hồi giáo được phân chia trong các dân tộc Malagasy, Ấn Độ, Pakistan, và Comoros. Gần đây nhất, Ấn Độ giáo được đưa đến Madagascar thông qua những người Gujarat nhập cư từ vùng Saurashtra của bang Gujarat thuộc Ấn Độ vào cuối thế kỷ XIX. Hầu hết người Ấn Độ giáo tại Madagascar nói tiếng Gujarat hay tiếng Hindi tại nhà.[127]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Madagascar http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003453.php http://www.bbc.com/news/world-africa-25588324 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/355562/M... http://www.floridata.com/ref/R/rave_mad.cfm http://abcnews.go.com/Technology/wireStory?id=1129... http://books.google.com/?id=I_S1D8cnTiEC&pg=PT19 http://books.google.com/?id=Mpsc2hsYk1YC&printsec=... http://books.google.com/?id=gvREAAAAIAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=nPoGAAAAQAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=owU3-pCIvyYC&printsec=...